CHIẾN TRANH MẬU DỊCH

Thành viên
Tham gia
18/5/25
Bài viết
1
CHIẾN TRANH MẬU DỊCH
Sơn Nghị

Tariff_War.jpg

Mậu dịch là hoạt động mua bán (thương mại) giữa các quốc gia với nhau trên bình diện quốc tế. Mậu dịch bao gồm xuất khẩu và nhập khẩu. Vì một lý do nào đó, quốc gia nhập khẩu tăng thuế quan (tariffs, thuế nhập khẩu), dẫn đến giá cả của hàng hóa tăng, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của quốc gia xuất khẩu. Theo lẽ tự vệ tự nhiên, quốc gia này lập tức trả đũa bằng cách cũng tăng thuế quan hàng hóa xuất khẩu của quốc gia kia nhập vào quốc gia này. Vì có tấn công và trả đũa nên mới gọi là chiến tranh. Hay đúng hơn, một cuộc chiến trên bình diện thương mại.

THUẾ QUAN TRÊN MẬU DỊCH SONG PHƯƠNG
Như thế, thuế quan là loại thuế do một quốc gia áp đặt lên hàng hóa hoặc dịch vụ nhập khẩu của quốc gia khác. Thuế quan là một công cụ chính trị được sử dụng để kiểm soát lượng hàng nhập khẩu chảy vào một quốc gia và xác định quốc gia nào sẽ được hưởng các điều kiện giao dịch thuận lợi nhất. Thuế quan cao tạo ra bảo hộ mậu dịch, bảo vệ hàng hóa của ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài. Theo cách ví von của Adam Smith, ông tổ nền kinh tế tư bản, một khi thuế quan áp đặt lên hàng hóa, chính “bàn tay vô hình” lập tức điều chỉnh hoạt động mậu dịch cho cân bằng. Kết quả là số lượng nhập khẩu của một sản phẩm giảm thiểu vì thuế quan cao dẫn đến giá cả cao cho khách hàng của sản phẩm đó.

Có bốn loại thuế quan căn bản chính phủ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu: (1) thuế cụ thể, tổn phí cố định cho mỗi đơn vị; (2) thuế theo giá trị (ad valorem), một tỷ lệ phần trăm trên giá trị mặt hàng; (3) thuế hỗn hợp, kết hợp cả hai loại thuế trên; và (4) thuế ưu đãi, giảm thuế dựa trên các thỏa thuận thương mại.

Thuế quan thường được áp dụng vì một trong bốn lý do sau:

1. Để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước mới thành lập khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài.
2. Để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước đang già cỗi và kém hiệu quả khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài.
3. Để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước khỏi bị các công ty hoặc chính phủ nước ngoài "phá giá." Phá giá xảy ra khi một công ty nước ngoài bán ra một sản phẩm với giá thấp hơn giá bán của sản phẩm ngay trong quốc gia của công ty đó.
4. Để tăng doanh thu. Nhiều quốc gia đang phát triển sử dụng thuế quan như một cách để tăng doanh thu.

CON DAO HAI LƯỠI CỦA THUẾ QUAN
Trong nước, khi áp đặt thuế lên một mặt hàng nào, chính phủ phải cân nhắc kỹ lưỡng, vì có thể sự thiệt hại lại lớn hơn tiền thuế chính phủ thu về. Năm 1991, Ủy ban Tài chánh Thượng viện Hoa Kỳ thông qua một đạo luật tăng thuế 10% cho việc mua bán du thuyền và các loại xe đắt tiền giá trên 30 nghìn đô la. Gọi là thuế xa xỉ vì chính phủ chủ trương đánh vào giới nhà giàu. Khi áp thuế 10% lên những kẻ làm ra bạc triệu mỗi năm chính phủ dự đoán sẽ dễ dàng thu về 1,5 tỷ tiền thuế trong 5 năm. Thực tế, tiền thuế năm đầu tiên chỉ thu về 98,4 triệu đô la và phần lớn nguồn thu từ việc bán các loại xe đắt tiền. Riêng doanh số mua bán du thuyền giảm mạnh, từ 1,9 tỷ năm 1988 sụt xuống chỉ còn 621 triệu đô la. Doanh số giảm chỉ vì giới nhà giàu không muốn trả 10% thuế nên không mua du thuyền mới nữa, hoặc cùng lắm họ mua mới từ nước ngoài; số lượng mua bán du thuyền cũ cũng giảm hẳn. Doanh số giảm có nghĩa là thuế đánh vào tàu thuyền chỉ mang lại một tỷ lệ quá nhỏ mà Ủy ban Tài chánh kỳ vọng, 98,4 triệu so với 1,5 tỷ.

Điều này ảnh hưởng mạnh đến kỹ nghệ đóng tàu và dẫn đến hơn 100 nhà đóng tàu và các công ty liên quan phải đóng cửa, trong số đó có hãng đóng tàu Viking Yachts lớn nhất phải khai phá sản. Hậu quả là ngành hàng hải mất hơn 25.000 việc làm trực tiếp và khoảng 75.000 việc làm gián tiếp liên quan đến kỹ nghệ đóng tàu, theo số liệu của National Marine ManufaCt.urers Association. Tính ra, tiền thuế thu vào không đủ trang trải tiền thất nghiệp cho cả mấy chục nghìn người mất việc. Thuế xa xỉ chỉ kéo dài hơn năm, và đầu năm 1993, Quốc hội buộc phải bãi bỏ loại thuế này.

Đó là thuế trong nước, nếu không tính toán khéo sẽ gây thảm họa, còn thuế quan áp đặt lên các hàng hóa nhập khẩu từ ngoại quốc vào nội địa, nếu không cân nhắc cũng dẫn đến một thảm họa tương tự. Thuế quan cũng là con dao hai lưỡi vì (1) tuy chính phủ thu về được một khoản tiền thuế (sẽ giải thích ở phần sau) nhưng (2) lại gây giá cả tăng, và người tiêu thụ thường phải chịu sự thiệt thòi này. Lấy một ví dụ cho dễ hiểu.

Một cân đường với giá quân bình trong nước là $4/lb, nhưng giá ngoại quốc chỉ $2/lb. Vì thế, các nhà nhập khẩu nhập một số lượng đường lớn thay vì lập nhà máy sản xuất đường trong nước ($2 so với $4). Nhà nhập khẩu bán ra với giá $3/lb, hưởng lợi nhuận là $1/lb. Người tiêu thụ chuộng mua đường ngoại quốc vì giá $3/lb vẫn rẻ hơn giá nội địa $4/lb (giả sử phẩm chất gần như nhau). Nếu chính phủ tăng thuế quan 25%, nghĩa là nhà nhập khẩu phải trả cho chính phủ của họ $0,5/lb ($2 x 25%) ngay tại bến cảng khi nhập hàng. Có nhiều cách giải quyết:

1. tiền vốn sau thuế quan là $2,5/lb nên nhà nhập khẩu tăng giá bán từ $3/lb lên $3,5/lb ($0,5 thuế quan) để vẫn được hưởng $1/lb lợi nhuận như cũ; chuyển phần $0,5 thuế quan lên đầu người tiêu thụ, dẫn đến giá cả tăng, gây mãi lực đồng tiền của người tiêu thụ giảm. Người tiêu thụ vẫn mua vì vẫn rẻ hơn giá nội địa ($3.5/lb so với $4/lb),

2. nhà nhập khẩu chấp nhận giảm lợi nhuận bằng cách chịu phần thuế quan $0,5/lb, nghĩa là không tăng giá bán, vẫn giữ $3/lb, và lợi nhuận chỉ còn $0.5/lb,

3. nhà xuất khẩu chịu phần phần thuế quan $0.5/lb để được xuất khẩu số lượng đường như cũ,

4. cả hai nhà xuất khẩu và nhập khẩu chia nhau chịu phần thuế quan này; số phần trăm nào đó tùy theo sự thương lượng.

Trong bốn cách giải quyết trên, thường ai cũng chọn phương cách (1), vì nó thực dụng. Kết quả là thuế quan luôn dẫn đến giá cả tăng.

Thực tế cho thấy thuế quan gây tổn hại cho cả hai: quốc gia (nhập khẩu) áp dụng thuế quan và quốc gia (xuất khẩu) có sản phẩm là mục tiêu của thuế quan, mặc dù quốc gia nhập khẩu thu vào được một khoản thuế do nhà nhập khẩu trả khi nhập hàng.

- Trước hết, đối với quốc gia xuất khẩu, vì giá bán tăng tại quốc gia nhập nên sản phẩm xuất khẩu sẽ giảm. Hoạt động kinh doanh suy giảm dẫn đến ít việc làm hơn và hoạt động kinh tế sẽ chậm lại. Sau nữa, đối với quốc gia nhập khẩu, giá bán tăng (giá cũ cộng thêm thuế quan) giúp các nhà sản xuất trong nước đẩy mạnh sản xuất dẫn đến việc làm tăng. Chính phủ thu về một khoản tiền thuế khả quan nhưng có những phần mất hẳn vào lưu thông kinh tế mà không cách gì lấy lại được. Hậu quả lo ngại nhất là giá cả tăng, dẫn đến sức mua của người tiêu dùng giảm (giả sử thu nhập không tăng).

Trên bình diện kinh tế vĩ mô, làm thử một con toán để thấy chiến tranh mậu dịch ảnh hưởng đến hai nền kinh tế của hai nước xuất khẩu và nhập khẩu thế nào.
lumbers1.jpg

Thị trường gỗ nội địa của Hoa Kỳ sản xuất 40 triệu feet khối với giá 1 triệu đô la (hình 1). Đây là điểm quân bình (E) của thị trường gỗ với phần “thặng dư giới tiêu thụ, consumer surplus” (màu xanh) và phần “thặng dư giới sản xuất, producer surplus” (màu hồng) bằng nhau. Trong khi đó, giá ở ngoại quốc là 400 nghìn, rẻ hơn nhiều so với giá 1 triệu trong nước. Vì thế, nhập khẩu tăng vọt 60 triệu feet khối, và nền sản xuất gỗ trong nước giảm chỉ còn 10 triệu feet khối; đẩy tổng cộng số lượng gỗ tiêu thụ là 70 triệu feet khối (hình 2). Giá rẻ, nên “thặng dư giới tiêu thụ” phình ra (xanh), biểu hiện sự thuận lợi của giới tiêu thụ tăng mạnh khi giá thế giới rẻ hơn giá nội địa. Dĩ nhiên, lúc đó “thặng dư giới sản xuất” cũng giảm mạnh (hồng, chỉ còn một góc nhỏ), biểu hiện sự bất lợi của giới sản xuất trong nước.

lumbers2.jpg

Giả sử chính phủ tăng thuế quan 100%, nghĩa là giá gỗ nhảy vọt lên $800 đô la (hình 3, giá thế giới + $400 thuế quan). Ai cũng nhận ra ngay là một khi thuế quan tăng, lập tức nhập khẩu giảm chỉ vì giá cao nên người tiêu dùng sẽ buộc phải mua ít hàng hóa hơn.

Vì giá cao, số lượng tiêu thụ giảm, nên nhập khẩu giảm chỉ còn 20 triệu feet khối, đồng thời đẩy mạnh sản xuất trong nước lên đến 30 triệu feet khối vì giá hàng hóa có thể cạnh tranh được ($800 so với $1000, như trước đây $400 so với $1000 thì quá chênh lệch); đưa toàn bộ số lượng gỗ tiêu thụ chỉ còn 50 triệu feet khối. Phần thiệt hại nặng nề chính là số lượng nhập khẩu, trước đây nhập 60 triệu feet khối, sau thuế quan chỉ còn 20 triệu feet khối.

Phần “thặng dư giới tiêu thụ” giảm (xanh) nay thu gọn lại chỉ còn phần B (hình 4), phản ảnh giá cả cao và sự thuận lợi của giới tiêu thụ mất đi các phần A (nâu nhạt), 2 phần D (xám), và C (đỏ).

- Phần A phản ảnh doanh số của các nhà sản xuất trong nước tăng vì giá cao ($800) so gần bằng giá sản xuất trong nước nên dễ cạnh tranh hơn.

- Phần C chính là “thu nhập của chính phủ, government revenue” từ thuế quan; như tên gọi, chính phủ giàu hơn từng ấy tiền.

- Phần còn lại, D (2 lần), là tổn thất phúc lợi kinh tế, là khoảng mất không của nền kinh tế trong nước, không cách gì bù đắp được. Danh từ chuyên môn là “tổn thất tải trọng, deadweight loss”. Tổn thất tải trọng ảnh hưởng đến cả thặng dư giới tiêu thụ và thặng dư giới sản xuất, vì đó là phần giới tiêu thụ mất đi, giới sản xuất và chính phủ (hoặc một ai đó) cũng không được hưởng.

Làm một con toán để thấy sự mất mát lớn lao thế nào. Lấy thí dụ thị trường gỗ bên trên, thặng dư giới tiêu thụ tăng mạnh (xanh, hình 2), khi giá thế giới quá rẻ. Diện tích là [($1800 – $400) x 70]/2 = $49.000. Sau thuế quan, thặng dư giới tiêu thụ (xanh, hình 4) chỉ còn [($1800 – $800 x 50]/2 = $25.000. Như thế, thặng dư giới tiêu thụ giảm gần một nửa ($49.000 so với $25.000), trong đó thặng dư giới sản xuất (A) tăng [($400 x 10) + [((30 – 10) x $400)/2] = $8.000, và thu nhập của chính phủ (C) là [(50 – 30) x ($800 – $400)] = $8.000. Tổng cộng nền kinh tế mất đi sau khi áp đặt thuế quan là $49.000 – $25.000 = $24.000, thặng dư giới sản xuất tăng $8.000 và thu nhập của chính phủ tăng $8.000, và tổn thất phúc lợi kinh tế (D) là [($24.000 – ($8.000 + $8.000] = $8.000. Nếu nhân lên cho đơn vị nghìn thì tổn thất tải trọng rất lớn. Đây là phần mất hút vào nền kinh tế, không thể nào bù đắp được.

Như thế, rõ ràng thuế quan gây thiệt hại cho nền kinh tế của quốc gia nhập khẩu. Còn các quốc gia xuất khẩu thì sao?

- Để đối phó với thuế quan, trước tiên, các quốc gia xuất khẩu có thể trả đũa bằng cách tăng thuế quan các mặt hàng mà quốc gia áp dụng thuế quan xuất khẩu sang nước này. Dĩ nhiên, quốc gia xuất khẩu sẽ phải chịu những hậu quả kinh tế như đã trình bày ở trên, cho dù quốc gia xuất khẩu cũng thu được về một số tiền thuế đáng kể tùy theo mức độ phần trăm trả đũa. Ngoài ra, nền kinh tế của quốc gia xuất khẩu mặt hàng bị áp thuế quan sẽ bị ảnh hưởng bởi các hậu quả sau.

a. Hàng hóa xuất khẩu giảm, dẫn đến sự sa thải công nhân, tình trạng thất nghiệp tăng,

b. Nếu tổng sản lượng của quốc gia (TSL) xuất khẩu đặt nặng vào xuất khẩu thì chắc chắn TSL sẽ giảm; tùy theo mức thuế quan, càng cao thì TSL càng giảm.

Như thế, thuế quan ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả hai quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu. Một trong những hậu quả mà quốc gia nhập khẩu gánh chịu là giá hàng hóa bị áp thuế tăng và một số người cho rằng chính vì giá cả tăng nên sẽ dẫn đến lạm phát. Trên lý thuyết là vậy nhưng thực tế lại khác vì có nhiều lý do dẫn đến lạm phát chứ thuế quan không phải là lý do duy nhất[1]. Lấy một ví dụ để so sánh mức lạm phát trong 8 năm vừa qua dưới thời TT. Trump và TT. Biden.

tariffs.vs.inflation.png

Thuế quan thời TT. Trump bắt đầu từ năm 2018 và kéo dài mãi đến 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ. Mặc dù số hàng hóa nhập khẩu lên đến $338.6, $264.4, và $238.3 tỷ nhưng tỷ lệ lạm phát vẫn dưới 3%[2]. Dưới thời TT. Biden, thuế quan đánh vào Âu châu được bãi bỏ, nhưng thuế quan đánh lên hàng hóa từ Đại Lục hầu như vẫn giữ nguyên[3]. Kết quả là số hàng hóa nhập khẩu bị áp thuế thời TT. Biden không kém bao nhiêu so với thời TT. Trump. Tuy thế, lạm phát dưới thời TT. Biden tăng vọt, tệ nhất là năm 2021, lạm phát nhảy vọt lên 7%.

TẠI SAO HOA KỲ VẪN ÁP ĐẶT THUẾ QUAN
Lưỡi dao thuế quan sẽ cắt thịt của nền kinh tế chảy máu không chừa một quốc gia nào, vậy mà TT. Trump vẫn xem thuế quan là một công cụ để duy trì nền kinh tế Hoa Kỳ. Nhiều người cho rằng dùng tiền thu nhập từ thuế quan dùng để trả nợ công; món nợ đã lên trên 36 nghìn tỷ đôla[4]. Thật sự các nhà kinh tế phỏng chừng chính phủ sẽ thu về 2,2 nghìn tỷ trong vòng 10 năm tới, 2025 – 2034[5] nếu tiếp tục áp dụng chính sách thuế quan hiện nay. Nhưng trong 10 năm tới, nếu không khéo chi tiêu, nợ công sẽ tăng vọt lên đến 54 nghìn tỷ, với trung bình ngân sách thâm hụt 1,8 nghìn tỷ mỗi năm. Do đó, doanh thu từ thuế quan chẳng thấm gì so với nợ công. Nguyên nhân chính vẫn là chính phủ chi tiêu vô tội vạ, bất kể đảng nào nắm quyền tại Nhà Trắng. Ví dụ, tài khóa 2024, thu vào 4,918 nghìn tỷ, chi tiêu 6,750 nghìn tỷ, thâm hụt 1,832 nghìn tỷ[6]. Tài khóa 2025, chỉ mới 4 tháng đầu, hiện đã thâm thủng lên đến 1,3 nghìn tỷ rồi[7].

Nếu doanh thu từ thuế quan chỉ là hạt muối giữa biển cả nợ công thì tại sao Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chính sách thuế quan, đặc biệt áp đặt lên Đại Lục một con số khổng lồ: 145%? Trước hết, nên xem xét cán cân mậu dịch giữa Hoa Kỳ và các nước trên thế giới.

US-goods-exports-imports-deficit.1.png

Trong lịch sử thương mại của Hoa Kỳ, hầu như năm nào nhập cũng nhiều hơn xuất. Cột màu đen là nhập khẩu, cột màu xanh là xuất khẩu và cột đen luôn luôn cao hơn cột xanh, gây ra sự thâm hụt. Đường ngoằn nghoèo màu đỏ biểu thị sự thâm hụt cán cân mậu dịch. Cuối năm 2024, Hoa Kỳ thâm hụt lên đến hơn 1,2 nghìn tỷ, trong đó Đại Lục dẫn đầu với 295 tỷ, và các nước tiếp theo là Mexico 172 tỷ và Việt Nam 124 tỷ, trong khi Canada 63 tỷ[8].

TT. Trump áp đặt thuế quan lên Mexico và Canada trước, trong khi thâm thủng với Việt Nam lên đến 124 tỷ, nhưng ông lại không hề nói đến. Như bài viết trình bày ở phần trên: thuế quan chỉ là một công cụ để đạt được mục đích chính trị, hay đúng hơn mục đích kinh tế. Sở dĩ TT. Trump phải đối diện với Mexico và Canada trước tiên vì hai nước này là nguyên nhân của nền kinh tế bất ổn và xã hội hỗn loạn hiện nay của Hoa Kỳ.

Có hai lý do. (1) mở cửa biên giới để người tràn vào Hoa Kỳ. Đành rằng chính quyền Biden chủ trương cho nhập cảnh lậu nhưng 2 nước này cũng không hề bảo vệ an ninh tại biên giới của nước họ; đặc biệt Mexico cho phép dân Nam & Trung Mỹ vượt biên giới phía nam và đi bộ xuyên qua suốt chiều dài của Mexico để leo rào vào Mỹ. Giới quan sát ước lượng từ 15 đến 20 triệu người nhập cảnh lậu theo hai ngõ biên giới Mexico và Canada trong 4 năm qua. Sau khi đàm phán và đe dọa áp thuế quan, bà Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum lập tức đưa 10 nghìn binh lính rải dọc theo biên giới Mỹ–Mexico để canh giữ và chận bắt mọi di dân lậu, nhất là tăng cường an ninh nghiêm ngặt tại biên giới phía nam. Riêng Thủ tướng Trudeau của Canada thì từ chức để nhường cho người kế vị đàm phán mức thuế quan 25% Hoa Kỳ sẽ áp đặt lên Canada. Nếu Canada không giữ vững biên giới phía nam ngăn cản số người tràn vào Mỹ, mức thuế quan sẽ tăng hơn nhiều. (2) nhập fentanyl lậu vào Hoa Kỳ. Đây là một loại thuốc phiện cực mạnh được sử dụng để điều trị những cơn đau nhức dữ dội. Fentanyl có tác dụng mạnh gấp năm mươi lần bạch phiến, và một trăm lần morphin, một loại thuốc giảm đau rất hiệu quả dùng trong y khoa từ lâu. Theo thống kê, fentanyl gây hơn 250 nghìn ca tử vong từ 2018 đến nay[9], đặc biệt gây nghiện ngập trong giới trẻ. Tỷ lệ chết vì fentanyl cao hơn tỷ lệ tai nạn xe cộ và tự tử[10]. Hoa Kỳ lên án Đại Lục cung cấp vật liệu thô cho các băng đảng bạch phiến để chế tạo fentanyl và tuồn loại hàng độc hại này vào Mỹ qua ngả biên giới Mexico và Canada gây ra tình trạng bất ổn trong xã hội.

TT. Trump dùng đòn thuế quan để đặt được mục đích ngăn chặn di dân lậu và thuốc độc fentanyl. Thái độ mềm dẻo của Mexico chấp thuận yêu sách từ Hoa Kỳ là một bằng chứng. Ngoài ra, nên biết rõ chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn đặt phương châm LỢI ÍCH KINH TẾ lên hàng đầu. Tất cả chỉ vì kinh tế. Kissinger, Bộ trưởng Ngoại giao thời chiến tranh Việt Nam, từng tuyên bố: Hoa Kỳ không có kẻ thù truyền kiếp hoặc bạn bè trường kỳ, tất cả chỉ vì lợi ích của nước Mỹ[11]. Dó đó, phải hiểu rằng tùy theo tình hình thế giới, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ thay đổi hoặc giữ nguyên đều đặt căn bản trên nền tảng lợi ích kinh tế. Một vài bài học trong quá khứ nên điểm qua trước khi đi sâu vào cuộc chiến mậu dịch với Đại Lục hiện nay.

- Chiến tranh Việt Nam
Hoa Kỳ tiếp viện và đổ quân vào cuộc chiến Việt Nam suốt 15 năm (1960-1975), cố giữ vững miền Nam trước sự tấn công của làn sóng đỏ. Tổn phí lên đến 134 tỷ đô la, tính theo thời giá khoảng 1 nghìn tỷ. Chưa kể trên 58 nghìn sinh mạng lính Mỹ bỏ mạng tại một vùng đất xa xôi, chẳng ai biết đến. Năm 1972, Nixon đến Đại Lục chính thức bắt tay với Mao. Đây là đòn chính trị nhằm cô lập Liên bang Xô viết, đồng thời tính toán làm ăn kinh tế với gần 900 triệu (số liệu 1972) dân Đại Lục. Ngoài ra, số súng đạn tồn trữ từ thời Thế chiến II đã dùng hết[12], tập đoàn kỹ nghệ quân đội (MIC, Military-Industrial Complex) cần chính phủ tài trợ để chế tạo vũ khí mới nên vận động hành lang để quốc hội ngưng viện trợ cho miền Nam. Ván cờ kinh tế đã làm đổi chiều cuộc chiến. Hoa Kỳ không cần giữ Việt Nam nữa, và sẵn sàng bỏ chạy. Kết quả là miền Nam rơi vào tay cộng sản năm 1975.

- Cuộc chiến thương mại với Nhật bản
Bắt đầu thập niên 1960, nền kinh tế Nhật Bản vươn lên không ngờ. Nhịp độ tăng trưởng của tổng sản lượng tăng đều đặn, kéo dài mãi đến thập niên 1980. Tổng sản lượng Nhật đứng thứ hai (1,34 nghìn tỷ), chỉ sau Hoa Kỳ (4,43 nghìn tỷ) vào năm 1985. Hàng hóa Nhật tràn ngập thị trường Mỹ và Âu châu. Sản phẩm Nhật tốt hơn, bền hơn so với hàng Mỹ, nhất là ngành kỹ nghệ thép, xe hơi, và linh kiện bán dẫn. Những thương hiệu nổi tiếng như Panasonic, Toyota, Nissan, Sony, NEC… được cả thế giới ưa thích chứ không riêng gì tại Mỹ. Với số dân hơn 235 triệu, Hoa Kỳ nhập gần 69 tỷ hàng hóa từ Nhật trong khi chỉ xuất khẩu gần 23 tỷ và dẫn đến sự thâm hụt cán cân thương mại[13]. Trong 5 năm đầu thập niên 1980, Hoa Kỳ thâm hụt mậu dịch, chỉ riêng đối với Nhật, lên gần 125 tỷ đô la[14].

Quốc hội Hoa Kỳ lên tiếng phản đối chính sách thương mại của Nhật. Hoa Kỳ cũng tố cáo Nhật đánh cắp các tài sản trí tuệ và lợi dụng các thỏa thuận thương mại không công bằng. Phái đoàn thương mại Mỹ Nhật ngồi xuống để kiếm một giải pháp thích hợp. Nhật đồng ý hạn chế số lượng thép, xe hơi và các linh kiện điện tử nhập vào thị trường Hoa Kỳ để nhân công Mỹ vẫn giữ được việc làm. Nhưng sự nhượng bộ về tiền tệ gây tai họa cho thị trường xuất khẩu của Nhật kéo dài trong nhiều thập niên. Đó là Hiệp định Plaza[15] của G5: Hoa Kỳ, Tây Đức, Pháp, Anh, và Nhật.

Hoa Kỳ quyết định phá giá đồng đô la đối với đồng Yen của Nhật, và đồng Mark của Tây Đức. Vì phá giá nên hàng hóa Mỹ rẻ hơn so với hàng Nhật, dẫn đến doanh số xuất khẩu tăng và giảm thiểu sự thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ. Vì đồng đô la bị (cố ý) giảm giá[16] nên đồng Yen của Nhật tăng vọt từ 240 Yen / 1 USD thành 120 Yen / 1 USD, tỷ lệ 100%. Do đồng Yen có giá trị hơn nên hàng Nhật khó cạnh tranh hơn. Giá bán tăng gấp đôi nên hàng hóa khó bán hơn, dẫn đến sản lượng xuất khẩu giảm sút rõ rệt.

gnp.japan.jpg

Dĩ nhiên, Nhật không hề muốn tăng giá đồng Yen, nhưng bị áp lực nặng nề từ Hoa Kỳ nên đành phải tăng tỷ giá tiền tệ. Tuy nhiên, Hiệp định Plaza không phải là đòn cuối cùng của Hoa Kỳ nhằm kìm hãm nền kinh tế Nhật. Năm 1987, Washington áp dụng mức thuế 100% đối với hàng nhập khẩu trị giá 300 triệu đô la của Tokyo. Mức thuế quan này gần như chặn hết mọi cửa ngõ hàng hóa Nhật đi vào thị trường Mỹ. Từ đó, nền kinh tế Nhật chậm lại, và giảm sút rõ rệt. Mức độ tăng trưởng tổng sản lượng khựng lại, và có lúc xuống số âm. Tình trạng suy thoái đó kéo dài mãi đến tận ngày nay.

Năm nay, 2025, bài học kinh tế Nhật trong thập niên 1980 được lập lại, nhưng lần này trên một quy mô lớn hơn, vì nền kinh tế khổng lồ của Đại Lục với tổng sản lượng gần hai chục nghìn tỷ, và như Nhật, chỉ đứng sau Mỹ.

LỢI ÍCH ĐẠI LỤC SO VỚI LỢI ÍCH HOA KỲ
Những gì xảy ra cho Nhật vào năm 1985 gần giống như Đại Lục vào năm 2025. Nền kinh tế Đại Lục lớn mạnh chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Hàng hóa “Made in China” tràn ngập thị trường Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Đại Lục trở thành một nhà máy vĩ đại, khổng lồ, nơi hàng trăm triệu công nhân bị vắt kiệt sức lao động hàng ngày, hàng giờ để sản xuất hàng hóa cho nhân loại tiêu dùng.

GDP.png

Như trước đây đối với Nhật, Hoa Kỳ tố cáo Đại Lục đánh cắp các tài sản trí tuệ và lợi dụng các thỏa thuận thương mại không công bằng. Thâm hụt mậu dịch giữa 2 nước lên đến 295 tỷ vào năm 2024. Làm thử một con toán để thấy con số thâm hụt này ảnh hưởng đến nền kinh tế Hoa Kỳ thế nào.

Số tiền thâm hụt của Hoa Kỳ đối với thế giới trong năm 2024 là 1,2 nghìn tỷ, so với tổng sản lượng chiếm 4,2% (1210÷28781). Nếu lấy riêng con số thâm hụt (295 tỷ) đối với Đại Lục thì tỷ lệ lại càng nhỏ hơn nhiều, chỉ 1,02% (295÷28781). Ngay cả việc áp dụng mức thuế quan hiện nay, dự đoán chính phủ Mỹ sẽ thu về 2,2 nghìn tỷ trong vòng 10 năm tới; trung bình mỗi năm 220 tỷ. Nếu đem 220 tỷ so với tổng sản lượng quốc gia hằng năm thì doanh số này chỉ làm giàu thêm cho Hoa Kỳ 0.7% (220÷28781). Rõ ràng đem lên bàn cân, những con số này thật chẳng đáng gì so với nền kinh tế hàng chục nghìn tỷ của Mỹ. Thế thì tại sao Hoa Kỳ vẫn cố ý áp dụng mức thuế quan cao ngất ngưỡng 145% lên Đại Lục.

Tất cả chỉ vì lợi ích của riêng đất nước Hoa Kỳ. Hay đúng hơn, lợi ích của Đại Lục xung đột với lợi ích của Hoa Kỳ.

Đại Lục gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) năm 2001, và nền kinh tế từ đó phát triển không ngừng. Trong suốt gần hai thập niên, mức độ tăng trưởng luôn là hai con số; nghĩa là trên 10%, trong khi ước mơ của các nước tiên tiến là chỉ mong sự tăng trưởng vượt qua được mức độ lạm phát; nghĩa là nhỉnh hơn 2.5% thì xem như thành công. Năm 2024, tổng sản lượng của Đại Lục tăng vọt lên hơn 18 nghìn tỷ đô la, đứng thứ nhì chỉ sau Hoa Kỳ. Khi đưa Đại Lục vào WTO, giới tinh hoa phương Tây tin rằng nếu trở nên giàu có Đại Lục sẽ trở nên dân chủ hơn, theo đúng lý thuyết tân tiến hóa của Gs. Xã hội học Seymour Martin Lipset thuộc Đh. Berkeley: thịnh vượng dẫn đến dân chủ[17]. Sau hơn hai thập niên Đại Lục thịnh vượng, phương Tây mới vỡ lẽ ra họ quá ngây thơ, không hiểu chút gì về chủ nghĩa cộng sản. Đại Lục vẫn độc đoán và tàn nhẫn, vi phạm các bản quyền của sản phẩm trí tuệ, kỹ thuật đảo ngược (reverse engineering, sao chép bản mẫu) và đánh cắp công nghệ toàn diện để bắt kịp phương Tây. Đại Lục không từ nan bất cứ một phương tiện nào theo đúng câu châm ngôn trong lý thuyết cộng sản: mục đích biện minh cho phương tiện.

Khi nền kinh tế lớn mạnh, Đại Lục bành trướng thế lực sang các nước Đông Nam Á. Trước hết, Đại Lục tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Khi khẳng định đường lưỡi bò 9 đoạn, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền Đại Lục. Nhà nước cộng sản gây tranh chấp với các nước Việt Nam, Phi luật tân, Mã Lai, Brunei; đặc biệt Việt Nam có chứng cớ về hành chánh pháp lý là chủ quyền hai quần đảo này từ thời phong kiến. Hoa Kỳ chính thức phản đối tuyên bố chủ quyền phi pháp của Đại Lục và tiếp tục tuần hành trên biển Đông, bảo đảm quyền tự do hàng hải và luật hàng hải. Hoa Kỳ xem biển Đông là khu vực quan trọng đối với thương mại quốc tế, hoạt động hải quân và tiếp cận các nguồn tài nguyên. Ngược lại, Đại Lục xem sự tuần hành của các chiến hạm Hoa Kỳ là thái độ khiêu khích và cảnh báo sẽ gây ra tình trạng mất ổn định, không có lợi cho hòa bình trong khu vực. Một số nhà phân tích và viên chức Đại Lục đề xuất một sự thay đổi hướng tới một trật tự thế giới đa cực, trong đó nhiều quốc gia, bao gồm cả Đại Lục, đóng vai trò lãnh đạo. Đại Lục cho rằng điều này phù hợp với ý tưởng về một trật tự toàn cầu mới, với Đại Lục nắm quyền lãnh đạo trong khi Hoa Kỳ và phương Tây sẽ dần dần rút vào hậu trường. Ngọn gió Đông sẽ thổi bật gốc rễ nền văn minh phương Tây[18].

Thật ra trong những năm đầu của thiên niên kỷ, hai nước đều nương tựa vào nhau để sống, hay đúng hơn cả hai bên đều có lợi. Đại Lục thịnh vượng giúp hàng triệu dân chúng thoát nghèo, trong khi dân Mỹ mua được hàng giá rẻ, giảm thiểu chi phí sinh hoạt, tiết kiệm được bạc nghìn hằng năm. Ngoài ra, các nhà tài phiệt phương Tây kiếm hàng tỷ đô la nhờ giá nhân công rẻ bèo của Đại Lục. Cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” chỉ xảy ra kể từ khi Chủ tịch (Ct.) muôn đời Tập nắm quyền hành sinh sát trên 1,4 tỷ dân với tham vọng sẽ thay mặt Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới qua nhiều chính sách đối ngoại mở rộng bờ cõi. Một trong những chính sách của họ Tập là “Một Vành đai, Một Con đường” nhằm lập lại Con đường Tơ lụa nối liền Đại Lục với châu Âu. Đại Lục dự kiến sẽ chi hơn 1 nghìn tỷ đô la cho "Sáng kiến Vành đai và Con đường" – gấp bảy lần Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ sau Thế chiến II. Sáng kiến này nhằm xây dựng các thị trường mới cho hàng hóa Đại Lục và tăng cường kết nối kinh tế của Đại Lục với 130 quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm hơn 60% dân số thế giới và một phần ba tổng sản lượng toàn cầu – kể cả 40 trong số 54 quốc gia châu Phi. Một khi kế hoạch “Một Vành đai, Một Con đường,” thành công, họ Tập sẽ khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu của Đại Lục. Năm 2014, Bộ trưởng Ngoại giao Đại Lục Vương Nghị nói rằng sáng kiến này là chính sách ngoại giao quan trọng nhất của Ct. Tập. Mục đích căn bản của nó là biến khu vực Á-Âu (do Đại Lục chi phối) thành một khu vực kinh tế và thương mại đối trọng với khu vực xuyên Đại Tây Dương (do Mỹ đứng đầu).

Ct. Tập đề ra phương châm “Made in China 2025,” là một kế hoạch chiến lược quốc gia và chính sách công nghiệp nhằm phát triển mạnh hơn nữa ngành sản xuất của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm củng cố ảnh hưởng của Đại Lục trên bình diện thế giới. Chẳng may, cơn đại dịch Covid-19 làm hỏng kế hoạch này. Nhưng vào tháng 3/2021, đảng cộng sản Tàu lại đề ra một phương châm mới: “China Standard 2035” (Tiêu chuẩn Đại Lục 2035) về phương diện công nghệ. Theo kế hoạch này, các công ty công nghệ hàng đầu phải tăng số lượng tiêu chuẩn Đại Lục để trở thành khuôn mẫu quốc tế cho các công nghệ hiện đại trên thế giới noi theo, như internet quy chuẩn 5G, ứng dụng “Internet of Things” cho ngành sản xuất và trí tuệ nhân tạo. Đại Lục đặt mục tiêu thúc đẩy cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và các quy tắc trong nước lên toàn cầu, điều này làm dấy lên trong giới tinh hoa phương Tây mối lo ngại về cách thức khai triển và khai thác công nghệ của Đại Lục.

Ct. Tập tuyên bố các công nghệ năng lượng mới, chẳng hạn như pin xe hơi từ các doanh nghiệp nhà nước, sẽ cho phép một nửa số xe ở Trung Quốc chạy bằng điện hoặc pin nhiên liệu và một nửa là xe hybrid vào năm 2035. Chỉ riêng lãnh vực công nghệ đã đụng chạm đến quyền lợi của Hoa Kỳ. Thêm vào đó, Đại Lục tăng đầu tư vào Châu Phi hơn 520% trong 15 năm qua, vượt qua Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Châu Phi vào năm 2009 và trở thành nước xuất khẩu hàng đầu sang 19 trong số 48 quốc gia ở Châu Phi. Theo sự khảo sát của công ty Mc Kinsey & Company chuyên tư vấn quản lý và chiến lược toàn cầu, hiện có hơn 10.000 công ty Trung Quốc tại Châu Phi với tiềm năng tạo ra doanh thu 440 tỷ đô la vào năm 2025.

Nếu Hoa Kỳ có Giấc mơ Mỹ (American Dream) thì Ct. Tập cũng đề ra Giấc mơ Trung Hoa (Chinese Dream). Khái niệm này hứa hẹn một sự thịnh vượng vững bền và chuẩn bị một tương lai xán lạn hơn cho Đại Lục, tập trung vào hòa bình, phát triển một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả công dân. Giấc mơ Trung Hoa gắn liền chặt chẽ với hệ tư tưởng chính trị của Ct. Tập, mang tên “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc thù Đại Lục trong thời đại mới.” Đây là kỳ vọng cao nhất của Ct. Tập và sẽ hoàn thành vào năm 2049, đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Khác với các vị tiền nhiệm thực hiện kế hoạch tằm ăn dâu của Đặng Tiểu Bình với phương châm “ẩn nhẫn chờ thời” – nghĩa là trường kỳ xây dựng kinh tế cho thật hùng mạnh rồi mới chường mặt ra thế giới, đưa dân tộc Hán lên hàng đầu – Ct. Tập muốn đốt cháy giai đoạn để đưa Đại Lục lên ngôi vị lãnh đạo toàn cầu. Dục tốc bất đạt, và ai cũng nhớ đến cuộc cách mạng Đại Nhảy Vọt của Mao vào cuối thập niên 1950, khi Đại Lục muốn đưa đất nước lên thành cường quốc trong một thời gian ngắn. Kết quả là khoảng 20 triệu người chết đói. Thật ra, các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng khoảng 15 triệu đến 55 triệu người dân chết vì kế hoạch điên cuồng của Mao. Vẫn hy vọng vết xe đổ không lập lại ở thế kỷ 21 nữa.

CHÍNH SÁCH KÌM HÃM NỀN KINH TẾ ĐẠI LỤC
Với thái độ hung hãn của Đại Lục trong những năm gần đây, kể cả ý định muốn vượt mặt Hoa Kỳ để giữ vai trò lãnh đạo thế giới, giới tinh hoa Mỹ cần có một kế hoạch đối kháng hợp lý, thực tiễn, và hiệu quả.

Trở lại bàn cờ thế giới 1972, khi Hoa Kỳ bắt tay với Mao để cô lập Liên bang Xô viết. Thời thế đổi thay, Hoa Kỳ sẽ hòa hoãn với Nga để cô lập Đại Lục.

- Liên minh Bắc Đại Tây dương (NATO) phải tự bảo vệ
Hoa Kỳ đưa quân đội sang Âu châu để bảo vệ cả lục địa trước làn sóng đỏ ngay sau khi Thế chiến II kết thúc. Vào cao điểm thời Chiến tranh Lạnh, binh lính Mỹ đã có lúc lên đến 475.000 để giữ an ninh cho khối NATO. Tổn phí từ 1945 đến nay, gần 80 năm, trước và sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, tính ra hàng chục nghìn tỷ đô la. Chỉ riêng năm 2023, Mỹ chi 880 tỷ, chiếm 68,7% ngân sách quốc phòng của NATO. Chính quyền Biden cũng yêu cầu các nước trong khối NATO đóng góp nhiều hơn nữa và 18 quốc gia đã tăng ngân sách lên 2% tổng sản lượng[19]. Dưới thời TT. Trump, Hoa Kỳ muốn tất cả các quốc gia trong khối này đóng góp 5% tổng sản lượng[20] vào ngân sách quốc phòng, nhằm hạ thấp tổn phí xuống 53,8%, đồng thời giảm thiểu vai trò của Hoa Kỳ tại Âu châu. Một khi các nước Âu châu tăng cường vai trò tự bảo vệ, Hoa Kỳ sẽ rảnh tay để đối phó với sự bành trướng của Đại Lục.

Elbridge Colby, chuyên gia chính sách an ninh quốc gia, hiện là thứ trưởng quốc phòng trong nội các Trump, tuyên bố với báo chí rằng Hoa Kỳ cần phải tranh đấu vượt qua tình trạng khan hiếm về mọi mặt, kinh tế lẫn quốc phòng.” Colby cho biết. “Chúng ta không thể duy trì quân đội trong hai cuộc chiến[21]. Hoa Kỳ thậm chí không chắc có đủ thực lực cho một cuộc chiến hay không, nhất là khi đối đầu với Đại Lục.” Phó TT. Vance cũng lên tiếng tại Hội nghị An ninh Munich tháng 2 vừa qua: “Tôi nghĩ Âu châu nên bớt ỷ lại vào tấm chắn an ninh của Mỹ. Dĩ nhiên, Hoa Kỳ sẽ không bỏ rơi NATO nhưng chúng ta cần tập trung thành một khối vào vùng Đông Á (Đại Lục) và hơn bao giờ hết, Hoa Kỳ cần các đồng minh châu Âu tăng cường sức bảo vệ cho chính mình.” Alex Velez-Green, cố vấn thâm niên về chính sách tại Heritage Foundation đồng tình khi đề nghị Hoa Kỳ nên củng cố lực lượng để đối phó với mối đe dọa Đại Lục[22]. Velez-Green cho rằng Đại Lục với dân số, tham vọng lãnh thổ và năng lực công nghiệp, quốc gia này nổi lên như một cường quốc kinh tế, khác với Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh chỉ mạnh về quân sự, chứ nền kinh tế không đáng sợ như Đại Lục hiện nay. Vì thế Hoa Kỳ cần dứt khoát với các đồng minh về giới hạn những gì Mỹ có thể đóng góp ở châu Âu.

Rõ ràng, Hoa Kỳ sẽ dần dần chuyển hầu hết lực lượng sang châu Á, nhất là biển Đông để bảo vệ các đồng minh như Nhật Bản, Đại Hàn, và đặc biệt Đài Loan. Vì thế, bằng bất cứ giá nào, cuộc chiến giữa Nga–Ukraine cần chấm dứt, dẫn đến hòa bình phía Đông Âu để Hoa Kỳ rảnh tay đối phó với Đại Lục. Hôm 30/4 vừa qua, Bộ Tài chính công bố một thỏa thuận thành lập Quỹ đầu tư Hoa Kỳ-Ukraine nhằm tái thiết Ukraine thời hậu chiến[23]. Một bước tiến đáng kể trong việc chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine.

- Thuế quan Đối ứng
Đầu tháng 4, Hoa Kỳ áp đặt mức thuế quan đối ứng (reciprocal tariffs) lên hơn 60 quốc gia trên thế giới. Ý nghĩa của “đối ứng” là, theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Howard Lutnick, “quý vị đối xử với chúng tôi thế nào, chúng tôi sẽ đáp trả quý vị như thế.” Cách tính thuế đối ứng như sau: lấy doanh số thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với quốc gia đó, chia cho doanh số xuất khẩu của quốc gia đó sang Hoa Kỳ, sau đó chia đôi, gọi là nhân nhượng. Ví dụ: hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ có giá trị 142,5 tỷ[24], trong khi nhập hàng hóa của Mỹ chỉ có 13,1 tỷ[25], gây ra sự thâm hụt 129,4 tỷ. Tỷ lệ thâm hụt là 90,8% (129,4 ÷ 142,5); chia đôi khoảng 46%. Đây là mước thuế quan Hoa Kỳ áp đặt lên hàng hóa nhập từ Việt Nam.

Chỉ sau vài ngày áp đặt thuế quan, khoảng 60 quốc gia – riêng Tbt. Tô Lâm lên tiếng muốn thương lượng với TT. Trump chỉ sau một ngày[26] – đồng ý đàm phán với Hoa Kỳ về mức thuế, riêng Đại Lục thì dứt khoát trả đũa và thề sẽ kéo dài và leo thang cuộc chiến mậu dịch đến cùng.

Khoảng một tuần sau, Mỹ đồng ý tạm ngưng việc áp thuế lên tất cả các nước (không kể Mexico và Canada) trong 90 ngày, đặc biệt tăng thuế quan lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Đại Lục lên 145% sau khi Đại Lục trả đũa tăng thuế quan hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ. Rõ ràng Hoa Kỳ chỉ nhắm vào Đại Lục trong cuộc chiến thương mại.

Quốc hội Hoa Kỳ luôn đem vấn đề thâm hụt mậu dịch với Đại Lục ra bàn thảo và đề nghị tăng mức thuế quan để trừng phạt. Mới đây, một clip về bà Pelosi[27], một dân biểu kỳ cựu của đảng Dân Chủ, lan truyền trên mạng khi bà tố cáo Đại Lục không công bằng trong mậu dịch. Chuck Schummer[28], một nghị sĩ khác cũng đảng Dân Chủ, đồng lòng áp đặt thuế quan lên Đại Lục. Nói chung cả Quốc hội đều thấy sự bất công, nhưng họ chỉ nói chứ không dám dùng một biện pháp nào để đem lại sự công bằng trong mậu dịch; có thể vì quyền lực mềm, có thể được Tàu đi đêm, lại quả một số tiền triệu nào đó nên phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Và mới đây, bà Gretchen Whitmer[29], thống đốc bang Michigan, một ứng viên sáng giá của đảng Dân Chủ cho cuộc bầu cử tổng thống trong bốn năm nữa, cũng lên tiếng ủng hộ tăng thuế quan lên Đại Lục.

Hoa Kỳ vừa đưa ra danh sách các nước bị áp đặt thuế quan, lập tức Ct. Tập đi công du một số nước trong khối Asean để thương lượng mở cửa sau (backdoor), trong đó có Việt Nam. Đây là lúc Đại Lục thể hiện quyền lực mềm, tỏ tư cách lãnh đạo khu vực Đông Nam Á. Thật ra, nếu các nước Đông Nam Á đồng thuận, cùng Đại Lục đứng lên chống cuộc chiến thương mại; vị tất Hoa Kỳ chiếm thế thượng phong, nếu không nói là thua cuộc. Chuyến đi xem như thất bại vì không một nước nào chấp nhận cho Đại Lục đi cửa sau như trước đây, để trốn thuế quan, vì chính các quốc gia đó cũng sợ bị Mỹ trừng phạt khi bị lật tẩy giúp Tàu.

Năm 2018, khi cuộc chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Đại Lục bắt đầu, Ct. Tập vẫn bình chân như vại, vì còn các nước láng giềng chịu nhập hàng Tàu về về dán nhãn của quốc gia đó xuất khẩu. Chẳng hạn tổng sản lượng Việt Nam tăng trưởng bất ngờ trong giai đoạn đó nhờ hàng loạt hàng hóa từ Đại Lục đổ vào Việt Nam rồi dán nhãn hiệu Made in Vietnam và xuất khẩu sang Mỹ[30]. Lần này, TT. Trump áp thuế quan lên hầu hết các nước, kể cả các hòn đảo hoang thuộc Úc – Cocos, Heard & McDonald[31] – không một bóng người cư trú. Ngay cả Svalbard và Jan Mayen – một hòn đảo của Na Uy nằm gần Greenland – nơi cư trú của chim cánh cụt cũng không thoát khỏi sổ đen thuế quan. Việt Nam bị áp thuế 46%, Cămpuchia 49%, và Lào 48% là các quốc gia mà Đại Lục chuyển hàng sang trước đây để dán nhãn hiệu địa phương và xuất khẩu. Đúng theo câu nói của Tào Tháo, “Thà giết lầm còn hơn bỏ sót,” Hoa Kỳ không để sót một địa danh nào để Đại Lục thuồn hàng hóa qua cửa sau.

CÁC BIỆN PHÁP TRẢ ĐŨA CỦA ĐẠI LỤC
Dĩ nhiên, với thực lực hùng mạnh hiện nay, Đại Lục không nhượng bộ, quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Trong cuộc chiến mậu dịch, không bên nào thắng, vì tất cả đều bị thiệt thòi, ít hay nhiều mà thôi. Để trả đũa, Đại Lục tăng thuế quan của hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ lên 84%.

Công tâm mà nói, nếu kéo dài cuộc chiến thương mại, bọn Mỹ béo phì và lười biếng – theo lời của một viên chức Tàu – sẽ phải thua, vì dân Mỹ không có sức chịu đựng như dân Tàu. Điều này rất đúng, vì trong chế độ toàn trị, người dân không thể lên tiếng phản đối chính sách của nhà nước. Chẳng phải dân Tàu có sức chịu đựng thần thánh gì nhưng thật sự không một ai dám hé môi ta thán. Bài học Thiên An Môn vẫn còn đậm nét trong tâm trí người dân. Đảng trên hết, và phải bảo vệ bằng mọi giá. Bên kia biển Đông lại hoàn toàn khác, nếu thuế quan đè nặng lên người tiêu thụ vì giá cả tăng, chắc chắn dân Mỹ sẽ đòi hỏi chính phủ phải nới lỏng thuế quan. Đúng như viên chức Tàu tuyên bố, chiến đấu đường dài Mỹ sẽ thua. Vì thế, Đại Lục có thể vừa đánh vừa đàm; nghĩa là vừa chịu ngồi xuống bàn để thương lượng, đồng thời tìm cách để trốn thuế quan.

Hoa Kỳ tạm ngưng thuế quan trong 90 ngày, chỉ giữ mức 10%, ngoại trừ Đại Lục 145%. Tàu có thể tìm kế hoãn binh bằng cách bí mật bắt tay với các nước láng giềng để thuồn hàng sang Mỹ. Điều này khó, vì Hoa Kỳ đã biết cửa sau.

Đại Lục có thể phá giá đồng nhân dân tệ để bù đắp vào gánh nặng thuế quan. Một khi giá trị tiền tệ của Đại Lục sụt giảm trên thị trường quốc tế, hàng hóa trở nên rẻ và dễ cạnh tranh hơn, dẫn đến xuất khẩu tăng. Với mức thuế quan 10% đến 25% thì còn phá giá được, nhưng với mức 145% thì hầu như không thể. Thêm nữa, nếu đồng bạc nội địa mất giá, các công ty ngoại quốc sẽ không muốn đầu tư vào quốc gia đó nữa, dần dần sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế. Nhưng hậu quả trước mắt là hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên đắt hơn. Nếu Đại Lục nhập hàng tiêu thụ (đậu nành, bắp, và ngũ cốc) cần thiết hằng ngày từ ngoại quốc thì một khi giá cả tăng sẽ trở thành gánh nặng trực tiếp cho người dân. Một lần nữa, Đại Lục sẵn sàng hy sinh nồi cơm của người dân để giữ thể diện, để duy trì sự sống còn của đảng cộng sản.

Bắc Kinh có thể gây sức ép với các công ty Hoa Kỳ, điều mà họ đang bắt đầu làm, bằng các cuộc điều tra chống độc quyền, hạn chế các bộ phim Hollywood và đưa một số nhà xuất khẩu của Hoa Kỳ vào danh sách đen. Nhưng nếu ép quá, đầu tư nước ngoài sẽ ngưng trệ, dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Hiện Đại Lục đang đối mặt với con số 21,3% (số liệu 6/2023) thất nghiệp trong giới trẻ, đặc biệt những tân khoa vừa tốt nghiệp, và tiếp tục tăng mỗi năm. Ngoài ra, điều kiện khắc nghiệt với khẩu hiệu “9-9-6” (làm 12 tiếng, từ 9am đến 9pm, và 6 ngày mỗi tuần) khiến giới công nhân kiệt sức. Nếu thất nghiệp tiếp tục tăng, tình trạng xã hội sẽ bất ổn.

Đại Lục dùng đất hiếm như một công cụ để ép Hoa Kỳ phải nhượng bộ. Hiện Đại Lục khuynh loát thị trường này, và Mỹ nhập 70% nguyên tố đất hiếm từ 2020 đến 2023 để sản xuất các linh kiện điện tử, kể cả chiến đấu cơ F-35, tàu ngầm, hỏa tiễn Tomahawk, hệ thống ra-đa, máy bay không người lái Predator, và các loại bom thông minh. Đất hiếm ảnh hưởng trầm trọng đến lãnh vực an ninh quốc gia một khi chiến tranh xảy ra. Đây là đòn độc của Đại Lục[32], và có thể Hoa Kỳ sẽ nhượng bộ. Dĩ nhiên, đất hiếm đẩy Hoa Kỳ vào tình trạng nguy khốn nhưng không đến nỗi tuyệt vọng. Từ 2020, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã đầu tư 439 triệu để khai thác đất hiếm ngay trong nước, đồng thời sẽ thu mua các nguyên tố từ các nước khác. Vì thế, khế ước khai thác đất hiếm tại Ukraine – điều kiện để Mỹ tái thiết Ukraine thời hậu chiến – xem ra rất cần thiết hầu giúp Hoa Kỳ thoát khỏi sự kiềm tỏa của Đại Lục.

Đòn đối phó cuối cùng là Đại Lục bán tháo 760 tỷ đô la trái phiếu[33] của Hoa Kỳ (tiền Mỹ nợ Tàu). Điều này sẽ đẩy lãi suất tại Hoa Kỳ lên cao, đồng thời cũng làm tăng giá trị đồng nhân dân tệ, khiến hàng xuất khẩu của Đại Lục thậm chí còn đắt đỏ hơn. Một lần nữa, điều đó trái ngược với những gì Đại Lục muốn.

THÁI ĐỘ CỦA VIỆT NAM TRONG CUỘC CHIẾN MẬU DỊCH
Theo báo chí trong nước, ngày 4 tháng 4 vừa qua, Tbt. Tô Lâm có cuộc điện đàm với TT. Trump bàn về thuế quan song phương của hai quốc gia. Ông Tô Lâm nói với TT. Trump về mức thuế và sẵn sàng thương lượng Mỹ loại bỏ thuế quan xuất khẩu xuống zero; đồng thời Việt Nam cũng sẵn lòng giảm mức thuế nhập khẩu từ Mỹ xuống zero. Ông Lâm còn ngỏ lời mời TT. Trump và phu nhân thăm viếng Việt Nam trong tương lai gần. Tháng 4/2025 vừa qua, hãng VietJet của Việt Nam ký một hợp đồng 200 triệu đô la để mua Boeing[34], đẩy mạnh sự hợp tác thương mai chặt chẽ giữa hai nước.

Tbt. Tô Lâm, người có tư tưởng cấp tiến nhằm cải tổ nền kinh tế trong nước, đã có những bước đột phá nhằm cải cách hệ thống hành chánh như bãi bỏ ngành công an cấp huyện trong tháng 2 vừa qua. Ông cho biết, nếu thành công (giảm thiểu ngân quỹ nhà nước), ông sẽ cắt bỏ cấp trung gian giữa xã và tỉnh liên quan đến các ban ngành khác. Sự sáp nhập các tỉnh thành từ 64 xuống còn hơn 30 cũng là cách giảm thiểu bộ máy hành chánh cồng kềnh, kém hiệu quả. Ông còn dám bỏ cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” trong quốc hiệu[35], chỉ ngắn gọn “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” như trước đây. Hiện diện trong Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI[36], ông Lâm lên tiếng đừng để Việt Nam trở thành cứ điểm chuyên "lắp ráp – gia công" cho các nước tư bản, nhưng cần sự sáng tạo để đẩy mạnh công nghiệp, dần dần làm chủ lấy mình.

vn.export.import.2024.jpg

Việt Nam nằm kẹt giữa hai đàn anh khổng lồ. Nếu làm vừa lòng Mỹ sẽ không qua khỏi sự trừng phạt của Tàu. Nhưng nếu ngả theo Tàu trong giai đoạn này (giúp đỡ Tàu thoát thuế quan) thì lại không tránh khỏi sự trừng phạt của Mỹ. Đàng nào cũng chết. Hơn nữa, anh láng giềng khổng lồ Đại Lục đang nằm sát bên. Chỉ cần Hoa Lục ngưng xuất khẩu và cấm nhập khẩu thì nền kinh tế Việt Nam sẽ lao đao. Trở mặt với Tàu thì nhớ bài học trận chiến biên giới 1979, vì Đại Lục có thể dạy cho Việt Nam một bài học (nữa) bất cứ lúc nào. Thân thiện với Mỹ thì nhớ câu châm ngôn: Thật nguy hiểm khi là kẻ thù của Mỹ, nhưng bạn bè với Mỹ thì cũng nguy khốn không kém[37]. Ngày 30/4 của miền Nam cách đây 50 năm là một ví dụ điển hình khi lợi ích của Mỹ không còn.

Tất cả chỉ vì lợi ích của Hoa Kỳ. Với số vốn kiến thức hạn hẹp về thương trường quốc tế, người viết không thể nghĩ ra một giải pháp nào để Việt Nam thoát khỏi cơn thiên la địa võng của cuộc chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Đại Lục. Các chuyên gia đề nghị nên làm bạn với cả hai, và đừng để mất lòng một ai. Khó đấy! Vì Trump và Tập đều muốn Việt Nam dứt khoát. Hy vọng nhà nước Việt Nam tìm được một giải pháp khả thi.

LỜI CUỐI
Thuế quan 145% đối với Đại Lục, đối tác thương mại lớn thứ ba của Hoa Kỳ, quốc gia sản xuất mọi thứ từ đèn Giáng sinh đến iPhone cho đến các linh kiện công nghiệp sẽ làm giá cả tăng cao đến mức có thể đẩy Hoa Kỳ vào tình trạng suy thoái. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của những người nghèo. Một bên vì bộ mặt của đảng, một bên vì sự công bằng trong thương mại. Từ đây đến tháng 10, ba tháng cuối cùng của năm khi dân Mỹ sẵn sàng bỏ hàng tỷ đồng chi tiêu cho việc mua sắm, nếu Hoa Kỳ và Đại Lục không tìm được một giải pháp công bằng và hợp lý cho vấn đề mậu dịch, dân chúng hai nước chính là kẻ thiệt thòi nhiều nhất.





[1] https://www.epi.org/blog/tariff-inc...moval-would-undermine-domestic-supply-chains/
[2] https://www.usinflationcalculator.com/inflation/current-inflation-rates/
[3] https://www.cbp.gov/newsroom/stats/trade
[4] https://usdebtclock.org/
[5] https://taxfoundation.org/research/all/federal/universal-tariff-revenue-estimates/
[6] https://www.cbo.gov/publication/61181
[7] https://fiscaldata.treasury.gov/americas-finance-guide/national-deficit/
[8] https://www.visualcapitalist.com/sp/trade-tug-of-war-americas-largest-trade-deficits/
[9] https://usafact.s.org/articles/are-fentanyl-overdose-deaths-rising-in-the-us/
[10] https://www.statista.com/chart/16647/the-lifetime-odds-of-dying-from-seleCt.ed-causes/
[11] Nguyên văn: America has no permanent friends or enemies, only interests.
[12] Đúng ra, đến năm 1968 số vũ khí dư thừa mới hết. Trước 1968, quân đội VNCH vẫn còn xài carbin (súng thời Thế chiến II), và sau trận Mậu Thân 1968, binh lính miền Nam mới được xài M16, súng tối tân hơn. Trong khi đó, lính Bắc việt đã xài AK47, tương đương với M16, ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến.
[13] https://www.census.gov/foreign-trade/balance/c5880.html#1985
[14] https://www.newyorkfed.org/medialibrary/media/research/quarterly_review/1986v11/v11n1article2.pdf
[15] https://www.investopedia.com/terms/p/plaza-accord.asp
[16] Giảm giá (devalue) khác với mất giá (depreciate); một bên là cố ý để có lợi cho nền kinh tế, một bên là do lạm phát hoặc do điều hành kinh tế yếu kém.
[17] https://www.sociologylearners.com/seymour-martin-lipset-theory-of-modernization/
[18] Câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Mao, ngụ ý chủ nghĩa xã hội sẽ đánh bại chủ nghĩa tư bản.
[19] https://www.stripes.com/theaters/europe/2024-02-14/nato-defense-spending-trmp-12999467.html
[20] https://www.piie.com/blogs/realtime...e-percent-doCt.rine-and-nato-defense-spending
[21] Ngụ ý Nga và Đại Lục.
[22] https://www.heritage.org/china/commentary/the-case-urgency-against-china
[23] https://home.treasury.gov/news/press-releases/sb0126
[24] https://tradingeconomics.com/united-states/imports-by-country
[25] https://tradingeconomics.com/united-states/exports-by-country
[26] https://vietnamembassy-usa.org/news...lds-phone-conversation-president-donald-trump
[27]
[28]
[29]
[30] https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/made-vietnam-or-backdoor-chinese-exports
[31] https://www.bbc.com/news/articles/ce84jr5mvnno
[32] Đại Lục ngưng xuất khẩu sang Hoa Kỳ các nguyên tố đất hiếm như samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium, và yttrium từ ngày 4/4/2025; một ngày sau khi TT Trump ban hành lệnh thuế quan.
[33] https://ticdata.treasury.gov/resource-center/data-chart-center/tic/Documents/slt_table5.html
[34] https://www.reuters.com/business/ae...eal-boost-cooperation-with-boeing-2025-04-04/
[35]
[36] https://dantri.com.vn/cong-nghe/ton...u-diem-lap-rap-gia-cong-20250115141711638.htm
[37] Nguyên văn: It may be dangerous to be America's enemy, but to be America's friend is fatal.
lumbers1.jpg
lumbers1.jpg
 

Bấm vào để xem ảnh kích thước lớn!

  • CHIẾN TRANH MẬU DỊCH.pdf
    808.9 KB · Xem: 0

[Trực tiếp] Thánh lễ khai mạc Sứ vụ Phêrô của đức tân giáo hoàng Lêô XIV | Chúa Nhật ngày 18/05/2025, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ chủ sự Thánh Lễ Khai Mạc Sứ Vụ Phêrô tại quảng trường Thánh Phêrô, chính thức khởi đầu triều đại giáo hoàng của ngài. Thánh lễ trọng thể này quy tụ đông đảo hồng y, giám mục, linh mục và các đoàn đại biểu quốc tế đến từ khắp nơi trên thế giới. Vatican News Tiếng Việt sẽ truyền hình trực tiếp thánh lễ vào lúc 10:00 (giờ Roma) – 15:00 (giờ Việt Nam). Link xem trực tiếp sẽ được cập nhật bên dưới.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên