[Podcast] Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung kể gì về cuộc đối thoại giữa HĐGM và Nhà nước dịp tuyên thánh tử đạo Việt Nam

5.00 star(s) 3 Votes
phailamgi?
Tham gia
18/12/23
Bài viết
472

Cách đây đúng một năm (ngày 10/9/2023), Đức cố Giám mục Giáo phận Kontum Phêrô Trần Thanh Chung được Chúa gọi về ở tuổi 97, sau 22 năm trong cương vị Giám mục.



Sinh thời, ngài đã là chứng nhân của những biến cố đau thương của lịch sử từ cuộc chiến tranh thế giới lần II, cuộc chiến tranh Đông Dương lần I và lần II, cho đến sự kiện Phong thánh các thánh tử đạo Việt Nam ngày 19/6/1988.

Trong cuốn Hồi ký của mình, Đức cha đã kể lại diễn tiến cuộc gặp căng thẳng giữa nhà nước Việt Nam và Hội Đồng Giám mục Việt Nam vào những ngày tháng Năm 1988.

phailamgi_Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung.jpg
Đức cha Phê rô Trần Thành Chung, giám mục Giáo phận Kontum. Ảnh: Giáo phận Kontum

Diễn tiến của biến cố phong thánh

Ngày 16/11/1985, nhân dịp đi Rôma tham dự Thượng hội đồng Giám mục Thế giới, Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn đã "một mình đứng đơn", đại diện cho 39 Đức Giám mục trong nước và hai Đức giám mục nghỉ hưu tại Hải ngoại, đệ trình lên Đức Thánh cha Gioan Phaolo II "xin mở lại Hồ sơ các Chân phước Tử đạo Việt Nam và cứu xét việc tôn phong các ngài lên bậc hiển thánh."

Trong thỉnh nguyện thư, Đức cố Hồng Y viết: "Cả dân tộc Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước nhất trí với con để dâng lời thỉnh nguyện này. Hội đồng Giám mục Việt Nam đồng thanh quyết nghị đệ lên Đức thánh cha bức thư thành khẩn hôm nay, mục đích là để làm vinh danh Thiên Chúa, củng cố niềm tin, cậy mến của cộng đoàn tín hữu chúng con." (hết trích)

Ngày 22/6/1987, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã mở Cơ Mật viện nhằm cứu xét Hồ sơ phong thánh cho các thánh Tử đạo Việt Nam.

Ngày 23/6/1987, Đức Hồng Y Casaroli, Quốc Vụ Khanh Tòa thánh, đã gửi điện tín cho Đức cố Hồng Y báo tin Đức Thánh Cha đã nghị quyết phong thánh cho Các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam vào tháng Sáu năm tới.

Sự kiện Tòa thánh chấp thuận thỉnh nguyện thư phong thánh cho các thánh tử đạo và việc chọn ngày 19/6/1988, ngẫu nhiên trùng vào ngày kỷ niệm quân lực Việt Nam Cộng hòa, đã gây nhiều tranh cãi trong xã hội và cả trong Giáo hội. Chính quyền Việt Nam đã kêu gọi tất cả hệ thống chính trị vào cuộc để ngăn chặn lễ phong thánh.

phailamgi_Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung kể gì về cuộc đối thoại giữa các Giám mục Việt Nam và...jpg
Đức cha Phê rô cùng linh mục Antôn Vương Đình Tài, C.Ss.R. trong một chuyến thăm làng người J'rai. Ảnh: Phailamgi

Triệu tập Hội đồng Giám mục Việt Nam

Đỉnh điểm của những căng thẳng diễn ra khi chính quyền yêu cầu triệu tập cuộc họp của Hội đồng Giám mục từ ngày 2-4/3/1988 tại Hà Nội và sau đó là hai tuần liền vào cuối tháng 5 năm 1988. Trong Hồi ký của mình, Đức cha Phêrô kể lại một số chi tiết như sau:

"Hai tuần cuối tháng 5, năm 1988, Hội đồng Giám mục được nhà nước mời liên tục họp tại Hà Nội, hết ngày này qua ngày khác, mục đích để gây áp lực Tòa thánh đẩy lui đẩy tới ngày phong thánh và bớt đi một vị xem như không xứng đáng!! Lúc đó tôi là Giám mục Phó tổng thư ký miền Trung nên dĩ nhiên cũng đi dự.

Tôi nhớ, trời Hà Nội oi bức khủng khiếp trong đời ít khi thấy. Sáng sớm lúc 5 giờ ngủ dậy, việc đầu tiên của tôi ra khỏi phòng ngủ là chạy tới xem nhiệt kế, có ngày 35 độ C! Trưa thì khỏi nói, 42 độ!

Hết ngày này qua ngày khác, chúng tôi họp riêng rồi họp chung, họp với Mặt trận rồi với Công An và các Ủy ban khác.

Trước tiên họp tại Hồ Haller (Hồ Thiền Quang) gần Bộ Nội vụ với ông Bộ trưởng Công an Mai Chí Thọ. Cuộc họp diễn ra vào lúc 5 giờ sáng. Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn và trên 30 Giám mục. 15 phút đầu dành cho các phóng viên nhà nước quay phim nhiếp ảnh, sau đó họ mới họp.

Ông Mai Chí Thọ bắt đầu trình bày về vụ phong thánh. Ông bàn lui, bàn tới ngày 19, rồi đến danh tánh các vị tử đạo cần phải xén bớt 1 vị mà Nhà nước coi như không xứng đáng, thay vì 117 còn 116… Ông thuyết phục Hội Đồng Giám mục làm theo ý Nhà nước đã quyết định.

Đức Hồng Y (Căn) đứng lên nói rất nhỏ nhẹ nhưng cương quyết: "Đây là vấn đề thuộc phạm vi Đức tin, Giáo hội có ơn khôn ngoan sáng suốt, khi đã quyết định thì không ai có quyền thêm bớt sửa đổi… Chúng tôi tất cả đồng ý và vâng phục, không thể bàn lui bàn tới, xin quý vị trong Nhà nước thông cảm."

Ông Mai Chí Thọ như điên tiết lên, trước đây thì trình thưa quý vị giám mục, thưa quý ngài, bây giờ đổi giọng, đổi cách xứng hô bằng hai tiếng "các ông" cụt ngủn…

Hai thái độ, một bên thì hùng hổ áp đảo, một bên thì khiêm tốn những không hề lay chuyển.

Thế là cuộc họp tại Hồ Haller kết thúc không còn hy vọng nào thuyết phục các ông Giám mục.

Nhưng chưa hết, về đến Tòa Giám mục Hà Nội, các giám mục được chọn làm đầu 10 nhóm và đem đi riêng rẽ từng nhóm làm việc với một hoặc hai viên chức Nhà nước tại các cơ quan. Dĩ nhiên, tôi không có tên trong các nhóm vì tôi bấy giờ chỉ là Giám mục phó.

Thật tội nghiệp cho ông Nguyễn Văn Hòa, Ban Tôn giáo Trung ương, đã gặp Đức cha Sách, Đà Nẵng. Ngài mới chỉ nói một câu thì ông Hòa đã ngã ngửa đằng sau và bị tại biến mạch máu não. May phước là có người hầu cận đỡ ngay lấy ông và chứng kiến sự việc…

Đức cha Sách nói gì tựu trung cũng là "việc nội bộ của Tòa thánh xin đừng xen vào…" nhưng giọng nói của ngài có vẻ đanh thép quyết liệt ngược lại hoàn toàn với sự mong đợi của ông Hòa nên chi có tai nạn bất ngờ." (Hêt trích) (Giám mục Phêrô Trần Thanh Chung, Hồi Ký, Kontum 2008, tr. 190-192)

phailamgi_Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung kể gì về cuộc đối thoại giữa các Giám mục Việt Nam và...jpg
Đức cha Phê rô trong ngày mừng kỷ niệm 65 năm linh mục. Ảnh: Giáo phận Kontum

Sau đó, như đã biết, lễ Phong thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam đã diễn ra vào đúng ngày Chúa Nhật 16/9/1988 và dĩ nhiên, không vị Giám mục Việt Nam nào được xuất ngoại để có mặt trong dịp lễ long trọng làm rạng danh Giáo hội và đất nước Việt Nam như lần này.

Hôm nay, giỗ giáp năm Đức cha cố Phêrô Trần Thanh Chung, ghi lại đây câu chuyện ngài là nhân chứng, để như ngài nói, là dịp để xin các Thánh Tử đạo chuyển cầu Chúa ban ơn mưa móc dẫy tràn ơn huệ trên quê hương Giáo hội Việt Nam.

Xin Đức cha ở trên Thiên Đàng, cùng nguyện cầu cho Giáo hội Việt Nam ngày nay, noi gương cha ông, kiên vững, can đảm làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người.​


 

[LIVE] Thánh Lễ của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV với các Hồng Y – Thứ Sáu 9/5 - PHAILAMGI.COM - Vào lúc 11:00 giờ Roma (tức 16:00 giờ Việt Nam) ngày thứ Sáu 9/5/2025, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ chủ sự Thánh lễ đầu tiên với các Hồng Y tại Nhà nguyện Sistine - Đây là một nghi lễ mang tính biểu tượng sâu sắc, đánh dấu khởi đầu chính thức của triều đại mới. Trong Thánh lễ này, Đức Thánh Cha sẽ cùng các Hồng Y hiệp thông cầu nguyện cho sứ vụ lãnh đạo Hội Thánh hoàn vũ mà Ngài vừa được trao phó.

0 lượt xem

Bài viết chờ bạn bình luận

Bên trên