Thành viên
- Tham gia
- 5/5/25
- Bài viết
- 9
- Chủ đề Author
- #1
Làn khói trắng bay lên từ mái Nhà nguyện Sistine báo hiệu vị Giáo hoàng mới. Người được chọn để lãnh đạo con thuyền Phêrô lúc này là một tu sĩ Augustinô người Mỹ, Đức Hồng y Robert Francis Prevost, Ngài chọn Tông hiệu Giáo hoàng Leo XIV.
Tân Giáo hoàng đã không mất nhiều lời để phác họa hướng đi cho triều đại của mình. Trong bài phát biểu đầu tiên, ngài nói rõ:
"Chúng ta phải cùng nhau hướng tới trở thành một Giáo hội truyền giáo. Một Giáo hội xây dựng cầu nối và đối thoại."
“Xây những nhịp cầu” không phải ngẫu nhiên mà cụm từ ấy được ngài lặp lại như một khẩu hiệu khai triều. Nó là một ngôn ngữ thần học, một linh đạo mục vụ: vì công ích, vì hòa bình.
Nhưng để hiểu đầy đủ sức nặng của những lời ấy, ta cần đặt Leo XIV trong dòng chảy tiếp nối từ người tiền nhiệm: Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Nếu Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng của cuộc “xuất hành” thúc đẩy một Giáo hội “đi ra”, rũ bỏ đặc quyền, sống nghèo, gần gũi với những người bên lề thì Tân Giáo hoàng Leo XIV được kỳ vọng chính là người mở rộng con đường ấy đến tận cùng, bằng cách xây những cây cầu vắt qua hố ngăn cách của thời đại. Ngài không bắt đầu từ con số không, nhưng bước tiếp một hành trình đã thấm đẫm lòng tin của người đi trước.
Đức Phanxicô đã dọn nền cho một Giáo hội không sợ “vấy bẩn” khi ra đường, Đức Tân Giáo hoàng Leo XIV giờ đây đứng trên chính những khúc quanh gai góc đó, thế giới kỳ vọng ngài chọn nối kết thay vì đối đầu, xây dựng thay vì phá bỏ, đối thoại thay vì đóng kín.
Trong một thế giới nơi lòng tin bị bào mòn bởi chủ nghĩa hoài nghi, nơi người trẻ rời bỏ Giáo hội vì thấy tôn giáo xa lạ và khô cứng, nơi chiến tranh và ý thức hệ làm xói mòn nền tảng con người, chỉ có tình yêu vô điều kiện, khiêm nhường lắng nghe, và khả năng gắn kết mới là ngôn ngữ chung còn sót lại.
Cây cầu mà Đức Tân Giáo hoàng Leo XIV muốn xây không phải là một công trình kiến trúc, mà là hành trình thiêng liêng: nối kết đức tin với lý trí, truyền thống với hiện đại, chân lý với lòng thương xót.
Nhưng một mình Giáo hoàng không thể xây xong chiếc cầu đó. Ngài cần sự cộng tác của từng người con trong Giáo hội hàng giáo phẩm, tu sĩ, giáo dân, đặc biệt là người trẻ. Như Đức Phanxicô đã từng nói: “Tôi mơ về một Giáo hội là Mẹ, là Mục tử, là người chữa lành.” Đức Leo XIV, giờ đây, tiếp nối giấc mơ ấy bằng hành động: trở thành Kiến trúc sư của hy vọng.
Và như thế, không phải bằng quyền lực, mà bằng khiêm nhường và bác ái, Tân Giáo hoàng sẽ bắt đầu một triều đại không phải của chiến thắng mà là của chữa lành, hàn gắn và can đảm đối thoại.